Câu hỏi: Tôi và chồng tôi có kết hôn từ 2015, hiện tại có 1 con chung năm nay 4 tuổi. Vì nhiều lý do dẫn đến không thể chung sống. Chúng tôi đang tiến hành thỏa thuận về việc ly hôn. Nhưng chưa thỏa thuận được mức cấp dưỡng. Mong luật sư tư vấn giúp tôi về mức cấp dưỡng sau khi ly hôn nếu tôi là người nuôi con thì chồng sẽ cấp dưỡng như thế nào ? Nghĩa vụ này sẽ kết thúc khi nào?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn pháp luật Asklaw 19006261. Luật sư tư vấn giải quyết thắc mắc của bạn như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
1. Mức cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật
Theo Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc cấp dưỡng như sau:
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn được quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Căn cứ theo Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 không quy định mức cấp dưỡng tối thiểu hiện nay hay mức cấp dưỡng tối đa là bao nhiêu mà pháp luật cụ thể là chỉ quy định chung như sau:
- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và đương nhiên những chi phí này là chi phí hợp lý.
Mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn hiện hành trước hết là do thỏa thuận giữa hai vợ chồng bạn. Bạn có thể yêu cầu chồng bạn mức cấp dưỡng cho con hợp lý căn cứ vào thu nhập thực tế của chồng bạn trừ đi nhu cầu thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt tối thiểu nhất của chồng bạn hiện nay, cũng như căn cứ vào nhu cầu thiết yếu của con bạn vì tùy vào từng độ tuổi khác nhau, con của bạn sẽ cần một mức cấp dưỡng phù hợp nhất.
2. Thời hạn chấm dứt cấp dưỡng theo quy định của pháp luật
Về thời hạn chấm dứt cấp dưỡng, theo quy định tại điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
- Trường hợp khác theo quy định của luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của ASKLAW về vấn đề cấp dưỡng của bạn. Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn 19006261 để được hỗ trợ kịp thời.