Câu hỏi: Chào luật sư, bố tôi năm nay 65 tuổi và đã đóng bảo hiểm xã hội được 34 năm 5 tháng. Hiện nay, bố tôi vừa có quyết định nghỉ hưu thì bố tôi được hưởng mức lương hưu hằng tháng là bao nhiêu?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Tổng đài tư vấn pháp luật Asklaw 19006261. Luật sư tư vấn về mức hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định của pháp luật như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật bảo hiểm xã hội 2014
- Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
1. Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng
Theo quy định tại Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện để hưởng lương hưu hằng tháng bao gồm:
– Đủ tuổi hưởng lương hưu là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam
– Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 20 năm trở lên
Như vây, bố bạn đã năm nay 65 tuổi và đã đóng bảo hiểm xã hội được 34 năm 5 tháng nên bố bạn có đủ điều kiện để được hưởng lương hưu hằng tháng.
2. Mức hưởng lương hưu hằng tháng
a, Mức lương hưu hằng tháng
Theo quy định tại Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức hưởng lương hưu như sau:
“2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.”
Do đó, theo công thức trên thì 17 năm đóng bảo hiểm xã hội đầu tiên sẽ tương ứng với 45%, sau đó cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%, còn số tháng lẻ là 5 tháng thì sẽ được tính bằng nửa năm (khoản 2 Điều 17 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH)
=> Mức lương hưu hằng tháng của bố bạn được tính bằng: 45% + (34-17)*2% + 1% = 80% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, mức lương hưu hằng tháng tối đa được hưởng chỉ là 75% nên hằng bố của bạn được hưởng mức lương hưu hằng tháng bằng 75% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Còn phần vượt quá 75% sẽ được tính hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
b, Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Khoản 2 Điều 58 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.”
Bố bạn đóng bảo hiểm xã hội được 34 năm 5 tháng, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2 năm 5 tháng. Do đó, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu mà bố bạn được hưởng là: 2,5 * 0,5 = 1,25 lần bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, khi nghỉ hưu, bố bạn sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng là 75% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 1,25 tháng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu hằng tháng được xác định theo Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Bố bạn đóng bảo hiểm xã hội được 34 năm nên thời gian tham bảo hiểm xã hội là trước năm 1995, do đó, bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu hằng tháng được tính là bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm trước khi nghỉ hưu.
Bài viết liên quan: Điều kiện hưởng lương hưu năm 2019 và cách tính lương hưu
Trên đây là nội dung tư vấn của Asklaw đối với trường hợp của bạn về mức hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định của pháp luật. Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn cụ thể hơn, bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn 19006261 để được hỗ trợ kịp thời.